Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, để hạn chế những tác động xấu do thời tiết mang lại, người nuôi tôm cần áp dụng các biện pháp ổn định môi trường ao nuôi và tăng sức đề kháng cho tôm.
Mưa bão:
Ảnh hưởng đến ao nuôi:
– Gây ra hiện tượng rửa trôi
– Tạo điều kiện cho các mầm bệnh xâm nhập vào ao nuôi.
– Ảnh hưởng đến các yếu tố môi trường như: nhiệt độ nước, hàm lượng oxy hòa tan trong nước ao, độ pH, độ kiềm, độ mặn, tảo tàn,… bị suy giảm đột ngột khiến tôm có xu hướng lột xác nhiều hơn, vỏ mềm,…;
– Bùn đáy ao bị khuấy đảo, hàm lượng các chất hữu cơ tích tụ trong ao gia tăng và bị khuấy động khiến ao nuôi bị ô nhiễm do các phát khí độc (H2S, NO2, NH3) bùng phát;
– Các nhóm vi khuẩn bất lợi gây bệnh sẽ thay thế các nhóm vi khuẩn có lợi.
Ảnh hưởng đến tôm:
– Khiến tôm bị stress, tôm sợ hãi và di chuyển xuống tầng đáy ao để tránh tiếng ồn và nhiệt độ nước ấm hơn. Tuy nhiên, đây là nơi chất thải hữu cơ, phân tôm và vi khuẩn tích tụ nhiều
– Trời mưa là thời điểm tôm lại lột xác nhiều nên sức đề kháng của tôm thấp, vì thế đây là lúc dịch bệnh dễ bùng phát
– Khi trời mưa, tôm giảm ăn (nhiệt độ giảm 1 độ C đột ngột tôm giảm ăn từ 5-10%, giảm 3 độ C đột ngột tôm giảm ăn từ 30-50%) cùng với sự biến động các yếu tố môi trường ao nuôi là một trong những nguyên nhân khiến tôm bị chết;
-Nước ao thiếu oxy, đáy ao bị xáo trộn khiến bùn đáy và các khí độc cùng dinh dưỡng khuếch tán vào nước tạo điều kiện cho vi khuẩn có cơ hội phát triển nhanh;
– Khi tạnh mưa, nhiệt độ tăng trở lại và vi khuẩn tăng sinh khối đột ngột bởi lượng dinh dưỡng hữu cơ trong ao rất nhiều. Điều này khiến ao nuôi bị thiếu oxy nghiêm trọng.
Tăng cường quản lý môi trường nước trong ao nuôi tôm
– Bật tất cả các hệ thống quạt nước để đạt mức cung cấp oxy tối đa, đồng thời tăng nồng độ oxy lên 20% so với ngày thường;
– Nên ngừng cho tôm ăn khi trời mưa, có giải pháp để nhanh chóng tháo lớp nước mưa trên mặt ra khỏi ao;
– Duy trì độ pH ở mức thích hợp từ 7,5 – 8,5 và dao động giữa sáng – chiều không quá 0,5 đơn vị.
– Độ kiềm là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm, làm tôm chậm lớn và bị mềm vỏ, giảm tỷ lệ sống. Vì vậy, độ kiềm thích hợp cho tôm sú từ 80 – 140mg/l và 120 – 150mg/l đối với tôm thẻ.
– Thường xuyên quan sát phản ứng, màu sắc, đường ruột, gan tụy, phân tôm, màu nước ao nuôi.
– Những ngày thời tiết diễn biến xấu cần chài tôm định kỳ để kiểm tra sức khỏe tôm và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện dấu hiệu bất thường như tôm búng yếu, phân lỏng, đường ruột đứt khút, gan tụy mờ nhạt…
– Sau mưa, bổ sung enzymes tổng hợp cũng như vitamin C, các chất khoáng cần thiết, các nhóm vi khuẩn có lợi, vi sinh đường ruột (men tiêu hóa) vào khẩu phần ăn cho tôm để tăng cường sức chống chịu cho tôm trước thay đổi của thời tiết và môi trường.
– Đặc biệt dùng enzyme tổng hợp xử lý chất thải, làm sạch lợn cợn trong nước, bùn đáy ao nuôi.