Tình hình Kháng kháng sinh trong chăn nuôi tại Việt Nam và thế giới
Kháng kháng sinh là một vấn đề nổi cộm trong vòng hơn hai thập kỷ qua trên thế giới, đặc biệt tại các nước phát triển. Tuy nhiên, đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, kháng kháng sinh mới thu hút được sự quan tâm chỉ 5 năm gần đây, khi hậu quả của nó đang hiển hiện trước mắt.
Đông Nam Á được xem là khu vực nóng về kháng kháng sinh của thế giới, với sự gia tăng chóng mặt của các siêu vi khuẩn, kháng đa kháng sinh, gây ra các đợt dịch bệnh lớn và khó kiểm soát. Ngoài các vấn đề về môi trường, khí hậu, vệ sinh và dịch tễ kém,… việc dùng kháng sinh không được kiểm soát chặt chẽ trên cả người và động vật như: dùng kháng sinh không đủ liều, không theo đơn thuốc; dùng kháng sinh để phòng ngừa bệnh và giúp kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi là những nguyên nhân chính dẫn tới việc các vi khuẩn kháng lại thuốc và tiến hóa, hình thành các siêu vi khuẩn nguy hiểm, kháng đa kháng sinh.
Tại Việt Nam, một số nghiên cứu cho thấy có tới 43.8% vi khuẩn phân lập được từ các bệnh nhân nội trú và 81% vi khuẩn Enterobacteriaceae có chứa enzyme Beta-lactamase phổ rộng (ESBL). Loại enzyme này có khả năng phân giải hầu hết các loại kháng sinh thuộc nhóm lactam đặc biệt đối với các loại Penicillin và Cephalosporin thế hệ thứ 3.
Tình trạng kháng thuốc fluoroquinolones của Salmonella typhi (gây bệnh thương hàn) phân lập được đã tăng từ 4% lên 97% trong giai đoạn từ năm 1997 đến 2005. Đồng hành với đó, các nghiên cứu về vi khuẩn kháng thuốc trên động vật và sản phẩm động vật cũng đã được thực hiện.
202 chủng Campylobacter spp. phân lập được từ 343 trang trại chăn nuôi lợn và gia cầm ở Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ kháng thuốc như sau: 100% kháng Erythromycin, 99% kháng Sulfamethoxazole-Trimethoprim, 92% kháng Nalidixic acid, Ofloxacin và 20.8% kháng Ciprofloxacin.
Kết quả khảo sát kháng kháng sinh của vi khuẩn Salmonella spp phân lập được từ 318 mẫu thịt lợn, gà từ các chợ bán lẻ tại Miền Bắc cho thấy vi khuẩn này kháng Tetracycline là 58.5%, Sulphonamides là 58.1%, Streptomycin là 47.3%, Ampicillin là 39.8%, Chloramphen-icol là 37.3%, Trimethoprim là 34% và Nalidixic acid là 27.8%.
Về ngắn hạn, việc tồn dư kháng sinh trong thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự phát triển của con người, đồng thời là rào cản khiến nông sản Việt Nam dừng chân trước các thị trường khó tính như Mỹ, EU,….
Về dài hạn, con số tử vong do kháng kháng sinh sẽ ngày càng được nối dài hơn, khi 20 năm qua chúng ta không có kháng sinh mới và thực tế, đã xuất hiện siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh mà loài người đang có.
Các giải pháp thay thế kháng sinh
Bổ sung các enzyme
Việc cung cấp thức ăn bổ sung Enzyme có tác dụng:
- Tạo ra bằng con đường công nghệ vi sinh (celllulase, beta-glucanase, xylanase, mannanase…)
- Phân giải các polysaccharid cấu tạo vách tế bào thực vật
- Tạo điều kiện cho các enzyme nội sinh (protease, amylase, lipase tiết ra từ ống tiêu hóa) tiếp cận với các chất hữu cơ bên trong tế bào chất
- Giúp cơ thể con vật có thêm chất dinh dưỡng để tăng năng suất sản phẩm cũng như tăng cường sức khỏe để chống bệnh
Các chế phẩm probiotic
Đã có nhiều công bố về khả năng cải thiện năng suất vật nuôi bởi sự tăng trọng hàng ngày, tăng sản xuất sữa ở bò sữa, cải thiện sức khỏe ở bê con và thúc đẩy sự tăng trưởng ở gà nhờ sử dụng các chế phẩm probiotic thương mại cho động vật nuôi.
- Những lợi ích về sức khỏe cho vật nuôi của các chế phẩm probiotic bao gồm:
- Cải thiện tiêu hóa
- Cải thiện tỷ lệ chuyển hóa thức ăn
- Tăng sức đề kháng với các bệnh nhiễm trùng
- Giảm ô nhiễm thịt
- Tăng tốc độ tăng trưởng
- Kiểm soát toan acid dạ cỏ ở gia súc
- Tăng sản lượng sữa ở bò sữa
- Tăng sản lượng trứng ở gà đẻ trứng
- Cải thiện chất lượng trứng ở gà đẻ trứng
- Giảm tỷ lệ chết/nhiễm bệnh ở vật nuôi
.
Enzymes & Probiotics thay thế kháng sinh nhằm mang đến nguồn thực phẩm sạch từ ngành chăn nuôi. Nếu chúng ta ngưng dùng kháng sinh và thay thế bằng chế phẩm vi sinh Probiotics không chỉ giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, sức khỏe người chăn nuôi, tiết kiệm nhiều khoản chi phí trong chăn nuôi.